Làm hộ chiếu bằng chứng minh nhân dân giả

Thời gian gần đây, một số kẻ xấu đã dùng các loại giấy tờ không hợp pháp để đăng ký làm hộ chiếu. Nhờ được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, các cán bộ tiếp dân tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ lừa đảo này.

Thời gian gần đây, một số kẻ xấu đã dùng các loại giấy tờ không hợp pháp để đăng ký làm hộ chiếu. Nhờ được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, các cán bộ tiếp dân tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ lừa đảo này.

Giá tour giảm, thủ tục bớt phiền hà… khiến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nhiều lúc quá tải. Đại tá Nguyễn Văn Anh, trưởng phòng, cho biết, vào thời điểm nghỉ lễ, nghỉ tết hay dịp hè… có ngày đơn vị nhận khoảng 1.500 hồ sơ cấp đổi, cấp mới hộ chiếu. Lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên theo dõi tình hình để kịp thời tăng cường thêm cán bộ, bàn tiếp dân giải quyết đúng thời hạn theo luật định. Có lẽ ít cơ quan nào phải bắt đầu công việc từ 6 giờ 30 sáng và nghỉ vào lúc giải quyết hết các hồ sơ trong ngày như đơn vị nghiệp vụ này. Chính vì vậy, một số kẻ xấu đã lợi dụng trà trộn vào đây để đăng ký thủ tục cấp hộ chiếu.

Phương thức phổ biến đầu tiên chúng thực hiện đó là sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) giả để qua mặt cán bộ tiếp dân. Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 500.000 hồ sơ và phát hiện hơn 50 trường hợp sai phạm về CMND. Trong đó, hơn 20 trường hợp sử dụng CMND không đúng quy định, như: mộc dấu nổi không rõ ràng hay mua lại CMND của người khác rồi dán ảnh của mình vào, ép nhựa lại; thậm chí sử dụng CMND của người khác có hình ảnh gần giống mình để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu”.

Cụ thể, theo bản tường trình của chị N.D.Q (nhà ở quận 7), chị đi hợp tác lao động ở Hàn Quốc, tuy nhiên chị có nhận làm thêm ở một nhà máy khác. Đây là một trong những vi phạm khá phổ biến của người đi hợp tác lao động. Sự việc bị chính quyền địa phương phát hiện, xử phạt và trục xuất. Để trở qua bên đó làm việc, chị Q. không thể sử dụng hộ chiếu của mình làm thủ tục xuất cảnh. Do có người bạn gái khá giống mình nên chị Q. đã mượn CMND của người bạn này đi làm thủ tục cấp mới hộ chiếu.

Nghiêm trọng hơn, mới đây, qua công tác nghiệp vụ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của ông Lê Minh Vũ (54 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), tuy là một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, nhưng khi xem xét kỹ phát hiện có dấu hiệu đáng ngờ. Khi làm việc, ông Vũ khá tự tin và khẳng định hồ sơ của mình hoàn toàn đúng. Chỉ đến khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ trưng ra những chứng cứ thuyết phục, ông Vũ mới thừa nhận rằng mình đã từng bị án tù chung thân. Sau nhiều lần giảm án, ông Vũ biết mình sắp tự do nên nhờ một người bạn trông giống mình ở bên ngoài làm giùm CMND. Và sau khi mãn hạn tù, ông Vũ đã dùng CMND của người bạn làm hộ chiếu để thay đổi nhân thân của mình...

Các cơ quan công quyền đang quyết liệt tiến hành cải cách hành chính để giảm bớt phiền hà cho người dân. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, trong đó có công nghệ làm CMND mới đang được thí điểm tại thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong lúc chờ biện pháp quản lý chặt chẽ này được thực hiện, trước mắt, cơ quan chức năng cần có mức xử phạt nghiêm khắc hơn trong việc cho thuê, cho mượn, mua, bán CMND. Bởi lẽ, hiện nay theo quy định chỉ xử lý hình sự đối với người và tổ chức làm giả CMND, còn các trường hợp khác chỉ bị xử phạt hành chính vài trăm ngàn đồng.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục