An toàn thực phẩm đã đến mức báo động đỏ

Sáng 1-3, hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 tại khu vực phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.
An toàn thực phẩm đã đến mức báo động đỏ

(SGGPO).- Sáng 1-3, hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 tại khu vực phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh.

Quang cảnh buổi hội thảo

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được cả Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm, chính vì vậy mà việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 đã được chọn là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khoá 14.

Theo ông Phan Xuân Dũng, thời gian qua công tác quản lý an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, kể cả chủ quan và khách quan, có nơi đã đến mức báo động đỏ. Góp phần minh chứng cho nhận định này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua đoàn đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh/thành được chọn. Và mặc dù chương trình giám sát mới đi được non nửa hành trình nhưng đã có nhiều con số đáng báo động.

Đó là, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 110.000 tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thủy sản sử dụng khá tự do, hoóc-môn tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ... gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực phẩm.

“Việc giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm là phổ biến ở các địa phương, trừ TPHCM là có hệ thống và quản lý tương đối chặt chẽ, cả nước còn 29.557 cơ sở giết mổ, trong đó đa số là nhỏ lẻ. Nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở này chưa được kiểm soát chặt chẽ và công tác quản lý thị trường phân phối sản phẩm thực phẩm còn rất nhiều bất cập”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng cho biết thêm, vẫn còn nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Cụ thể: Lạng Sơn phát hiện và thu giữ 416 tấn chân gà và phủ tạng; Nghệ An thu giữ 202 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc; TPHCM xử phạt tới 45 tỷ với thực phẩm không rõ nguồn gốc... Hậu quả là số vụ ngộ độc ở nhiều tỉnh còn lớn, việc xử lý vi phạm pháp luật còn chưa nghiêm, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM - cùng đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM kiểm tra An toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền, TPHCM tối 17-2-2017

Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các chuyên gia có mặt tại hội thảo cũng được đề nghị thảo luận xem doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần những điều kiện gì để sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn, theo chuỗi giá trị và truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

Trả lời một phần những câu hỏi trên, đại diện các bộ Y tế và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều đề nghị cần sớm sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Đáng lưu ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cần tiếp tục cho mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các tỉnh ở tuyến quận huyện, xã phường.

 Mỗi năm Việt Nam sản xuất trên 45 triệu tấn lúa gạo; trên 5 triệu tấn thịt lợn, trâu bò; 12 tỷ quả trứng; 795 ngàn tấn sữa; 3,3 triệu tấn thuỷ sản; 375 ngàn tấn rau quả các loại...., không chỉ đáp ứng cho tiêu dùng của hơn 90 triệu dân trong nước mà còn xuất khẩu.

An toàn thực phẩm không những bảo đảm cho sức khoẻ, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, mà còn hạn chế ngộ độc thực phẩm, tác hại của thực phẩm bẩn gây ung thư, các bệnh truyền qua thực phẩm. Hơn thế, an toàn thực phẩm còn giúp bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục