Án giết người, nhưng chứng cứ rõ ràng vẫn có thể xét xử trực tuyến

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, về việc lựa chọn các vụ án xét xử trực tuyến, trên thế giới tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ chứng minh đơn giản, ví dụ vụ án giết người phức tạp nhưng chứng cứ rõ ràng thì vẫn xét xử trực tuyến. 
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QUANG PHÚC
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QUANG PHÚC

Cuối buổi sáng 24-10, trong khuôn khổ phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), đề nghị Quốc hội thông qua việc xét xử trực tuyến và giao tòa án xây dựng Đề án về Tòa án điện tử.

Theo người đứng đầu ngành Toà án, việc tổ chức tòa án điện tử sử dụng công nghệ thông tin cần có 3 yếu tố:

Một là, máy móc, thiết bị, đường truyền và các phần mềm.

Hai là, nhân lực về công nghệ thông tin bao gồm: kỹ sư công nghệ thông tin; đội ngũ tòa án sử dụng công nghệ thông tin để các cơ quan khác tới như Viện Kiểm sát tới điều tra; công chúng có sử dụng công nghệ thông tin khi có việc liên quan tới tòa án.

Ba là, hạ tầng pháp lý cho việc sử dụng công nghệ thông tin.

"Việc xây dựng một đề án với các yếu tố như thế thì chúng tôi đã hoàn thành và có sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Luật sư và các bộ, ban, ngành", Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết.

Tòa án điện tử sẽ nhằm mục đích quản trị tòa án qua ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm: quản lý nhân sự, án, tài chính…; điều hành, bồi dưỡng đào tạo; cung cấp cho công chúng tiện ích, dịch vụ công về tư pháp như công khai bản án, hệ thống pháp luật, giới thiệu án lệ, giải thích pháp luật.

Cùng với đó, sẽ thực hiện một số hoạt động tố tụng trên nền công nghệ số như xét xử điện tử, lấy lời khai, xét xử trực tuyến, hòa giải trực tuyến, nhận đơn, trả lời đơn; quản lý xây dựng hồ sơ số, quản lý, chuyển giao trên nền tảng công nghệ số...

Trước đề nghị thực hiện nghị quyết trong 3 năm, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình chuẩn bị, lấy ý kiến các cơ quan thì đều được đánh giá đây là vấn đề lớn, phiên toà trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn cho cả lâu dài. Do đó, nếu nghị quyết ấn định thực hiện trong 3 năm thì sau thời gian này phải có nghị quyết khác nếu muốn duy trì phương thức trực tuyến.

Tới đây, trong báo cáo của ngành Toà án với Quốc hội về công tác hàng năm sẽ có nội dung thực hiện phiên toà trực tuyến, đánh giá mặt được hay chưa được đề có đề nghị phù hợp.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, về việc lựa chọn các vụ án xét xử trực tuyến, trên thế giới tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ chứng minh đơn giản, ví dụ vụ giết người phức tạp nhưng chứng cứ rõ ràng thì vẫn xét xử trực tuyến. Hiện dự thảo cũng quy định Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục