Truyền hình đang làm náo loạn nhạc Việt

Khi được hỏi về thực trạng của nền âm nhạc trong nước thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Phú Quang đã chia sẻ như trên. Và đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người yêu mến và tâm huyết với âm nhạc khi mà sau một thời gian xuất hiện, các cuộc thi tìm kiếm âm nhạc dường như đã đuối sức và phải tự làm mới mình bằng những vỏ bọc màu mè.
Truyền hình đang làm náo loạn nhạc Việt

Khi được hỏi về thực trạng của nền âm nhạc trong nước thời điểm hiện tại, nhạc sĩ Phú Quang đã chia sẻ như trên. Và đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người yêu mến và tâm huyết với âm nhạc khi mà sau một thời gian xuất hiện, các cuộc thi tìm kiếm âm nhạc dường như đã đuối sức và phải tự làm mới mình bằng những vỏ bọc màu mè.

Phải lập lại trật tự trong âm nhạc

Không chỉ là người sở hữu nhiều tác phẩm âm nhạc được yêu thích mà nhạc sĩ Phú Quang còn có biệt tài trong việc tổ chức những đêm nhạc rất đông khách. Ngay cả những thời điểm mà thị trường âm nhạc rất trầm lắng, những đêm nhạc của Phú Quang vẫn bán vé rất tốt và giá vé thường cao ngất ngưởng. Ông hay nói đó là nhờ khán giả thương, nhưng được như vậy có lẽ phần nhiều là do ông rất biết khán giả của ông cần gì. Phải chăng chính nhờ sự gắn bó, thấu hiểu ấy mà người nhạc sĩ này luôn cảm thấy đau đáu, trăn trở với những trào lưu âm nhạc đang nở rộ trên truyền hình.

Có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm tài năng trên sóng truyền hình cả nước

“Đã đến lúc cần phải thiết lập trật tự trong âm nhạc vì có những người hát chưa rành một nốt nhạc nhưng cũng ngồi làm giám khảo”, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ trong buổi gặp mặt báo chí, thông báo về những show diễn đầu năm của mình. Ông thẳng thắn cho biết: “Tôi nói điều này, có thể người làm truyền hình không hài lòng nhưng họ đang làm náo loạn âm nhạc Việt. Có ca khúc vừa được các nghệ sĩ trẻ viết xong đã được truyền hình giới thiệu theo kiểu “những bài hát Việt hay nhất”. Tôi không hiểu, họ căn cứ vào đâu, thử thách ở đâu, theo tiêu chuẩn, hội đồng thẩm định nào, để nói rằng những bài hát vừa sáng tác đó là những bài hát Việt hay nhất, khi mà những bài hát đó thậm chí còn chưa tròn vành, rõ chữ, rõ nghĩa?”.

Ông cũng cho rằng, người làm chương trình âm nhạc trên truyền hình đang quan niệm rất sai lầm khi nghĩ rằng cần phải lăng xê, quảng bá cho những bạn trẻ, cho nhân tố mới. Thế nhưng trong số đó, có những bạn trẻ sáng tác lời còn chưa rõ nghĩa, hát thì không tròn vành rõ chữ. “Có những bạn trẻ mùa trước là thí sinh, mùa sau đã chễm chệ ngồi vị trí huấn luyện viên, giám khảo. Các vị giám khảo trẻ đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết, không hề có kinh nghiệm cũng như kiến thức âm nhạc cơ bản, nhưng vẫn ngồi bình luận, nhận xét. Như vậy là chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí bị biến dạng. Tôi từng cố nghiến răng xem vài chương trình nhưng sau đó không thể cố được. Đã đến lúc nên lập lại trật tự...”, nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ.

Đã đến lúc phải dừng lại…?

Không riêng nhạc sĩ Phú Quang lên tiếng về các cuộc chơi, tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình, mà trước đó, có nhạc sĩ - người từng một thời gian dài làm giám khảo cho nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên sóng truyền hình - cũng đã thốt lên rằng, cần tạm dừng các hoạt động này. Lý do được anh đưa ra là cần để ngành âm nhạc có thêm thời gian để “thở” và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sĩ. Tài năng trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian. Mọi thứ đều cần thời gian, nhiều show thực tế ở nước ngoài đã ngưng lại, đã đến lúc cần những sân chơi mới cho thị trường âm nhạc, chứ không phải cho bản thân những thí sinh muốn trở thành ngôi sao.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người được ví như một nhạc sĩ chép sử bằng âm nhạc, cũng vô cùng buồn khi nhắc tới các cuộc thi tìm kiếm âm nhạc thiếu nhi trên truyền hình. Ông nói: “Phải ghi nhận các chương trình như Đồ Rê Mí, The Voice Kiks... đều thể hiện sự quan tâm đến trẻ em. Nhưng vấn đề ở đây là cách làm, tính định hướng thẩm mỹ âm nhạc còn nhiều điều chưa ổn. Có những chương trình được cho là dành cho trẻ em, của trẻ em, song cách làm lại là vì người lớn. Họ đưa lên sân khấu một cô bé 8 tuổi diễn màn Thị Mầu lên chùa thì đó không phải là cách làm vì trẻ em, mà chỉ là dùng trẻ em để “làm trò” cho người lớn. Chương trình của trẻ em là phải mang màu sắc trẻ em”.

Cần phải ghi nhận rằng chương trình âm nhạc trên truyền hình đã đem tới một không khí âm nhạc cởi mở hơn, đem lại nhiều cơ hội hơn cho các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đang mong muốn, khát vọng dấn thân vào con đường nghệ thuật. Đã có nhiều giọng ca bước ra từ các chương trình tìm kiếm tài năng và tỏa sáng. Song làm nghệ thuật đâu thể đi đường tắt, đó là một quá trình khổ luyện lâu dài. Bệ phóng tốt nhưng thực lực chưa tốt, đôi lúc sẽ lại làm thui chột tài năng, bởi không mấy người tự mình thoát ra hào quang danh vọng để tiếp tục trau dồi, rèn luyện… Các ý kiến về việc tạm dừng các chương trình truyền hình thực tế để chấn chỉnh, để tìm ra cách thể hiện tốt hơn, hiệu quả và chất lượng hơn, cũng nên làm trong thời điểm này.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục