Người mẹ trong giao hưởng Nguyễn Văn Nam

Người mẹ trong cuộc đời
Người mẹ trong giao hưởng Nguyễn Văn Nam

Năm 1976, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam nhận bằng tiến sĩ ngành sáng tác với tác phẩm Concerto symphonie - Giao hưởng số 3: Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh. Năm 1981, với công trình nghiên cứu Những nét cơ bản của âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông tiếp tục nhận bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác chín bản giao hưởng và gần một trăm tác phẩm giao hưởng thính phòng, công diễn thành công trong và ngoài nước (Nga, Mỹ, Ba Lan, Trung Quốc, Anh, Pháp…). Ông là một trong số ít nhạc sĩ đã góp phần xây dựng dòng nhạc giao hưởng Việt Nam được thế giới biết đến và đánh giá cao qua một khối lượng tác phẩm khí nhạc đồ sộ.

GS - TS Nguyễn Văn Nam

GS - TS Nguyễn Văn Nam

Người mẹ trong cuộc đời

Mới hơn mười tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã theo người cậu tham gia kháng chiến và sống xa cha mẹ. Cha ông là một thầy giáo, một nghệ sĩ rất đức độ đã bị giặc Pháp bắn chết tại chiến khu Đồng Tháp Mười vào năm 1951. Ngày tiễn ông tập kết ra Bắc, mẹ ông đã khóc thật nhiều. Sống xa cha mẹ, trong ông luôn mang nỗi nhớ quê hương da diết, khôn nguôi. Thời gian ở miền Bắc, ông bị bệnh tật hành hạ do phải mổ dạ dày đến ba lần nên ông phải giải ngũ. Rồi niềm đam mê và được tạo điều kiện, ông thi và trúng tuyển vào trường âm nhạc. Học giỏi nên sang năm thứ ba, ông được trường cử sang tu nghiệp tại Nhạc viện Leningrad, nay là Nhạc viện Saint Peterbourg.

Bôn ba nơi xứ người, ông cứ mải mê sự nghiệp âm nhạc nên chưa có dịp về lại quê hương. Ông tâm sự: “Nhìn những bà mẹ Nga đẩy xe nôi, nâng niu con cái họ, tôi bùi ngùi nhớ đến má mình. Tôi xa má khi chưa kịp qua hết thời ấu thơ. Ngồi trên bờ sông Nêva tôi nhìn xuống dòng sông từng tạo nên những điệu nhạc réo rắt, tôi chợt nhớ đến những con sông quê mình. Dòng sông quê tôi - nơi má tôi đang sinh sống luôn nhuộm đỏ một màu phù sa. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn mang theo hình ảnh của má cùng với hương phù sa của con sông quê mình. Cảm giác nhớ quê hương, nhớ má… luôn xiết lấy tôi.”.

Sau  mấy mươi năm xa cách quê nhà, ngày nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam về được quê hương thì mẹ ông đã ốm liệt giường. Nhìn thấy ông, chị Hai lắc đầu: “Má đã cấm khẩu sáu, bảy tháng nay. Em về đã trễ”. Ông nắm chặt đôi tay khô ráp của mẹ, lắc lư: “Má!”. Mẹ ông thoi thóp trong cơn đau thập tử nhất sinh, nhưng mở to mắt nhìn ông rồi bật thành lời: “Con đi học đã về!”. Ông khóc, khóc trong sự ân hận muộn màng. Đó là lần cuối cùng ông nghe được tiếng của mẹ, được nhìn thấy mẹ. Ba ngày sau, mẹ ông vĩnh viễn ra đi. Đám tang mẹ, ông khóc rất nhiều. Nhớ lại ngày tập kết ra Bắc, mẹ ông đưa hai ngón tay ra hiệu hai năm sẽ là ngày đoàn tụ. Thế nhưng, không phải là hai năm… mà đến hơn hai mươi năm, ngày gặp lại mẹ cũng là ngày xa cách vĩnh viễn…

Người mẹ trong âm nhạc

Dù ở bất cứ phương trời nào, GS-TS Nguyễn Văn Nam luôn nghe được giọng hát ầu ơ - điệu ru con Nam bộ thân thương của mẹ trong từng giấc mơ. Đối với ông, viết về quê hương tức là viết về mẹ. Mà nói về hình ảnh của mẹ, tình cảm trong ông chưa bao giờ vơi cạn, cảm xúc luôn dâng trào. Năm 1976, bản Concerto symphonie - giao hưởng số 3 của ông công diễn tại Đại hội âm nhạc mùa xuân Leningrad lần thứ 12 và đã thành công rực rỡ. Trong tác phẩm đó, ông đã gửi gắm trọn tình cảm, tình yêu dành cho mẹ nơi quê nhà. Từng nốt nhạc, từng giai điệu như gợi lên hình ảnh dòng sông, cánh đồng, con đò nơi mình sinh ra, nơi mẹ mình đang sinh sống. Khi chủ đề chính lần đầu tiên xuất hiện ở cây đàn cello solo, người nghe như có tiếng độc thoại vang lên thành âm hưởng, thành tiếng rao hàng trong đêm của em bé gái mồ côi, thiếu tình thương của mẹ. Ở chương cuối, tiếng hát solo giọng nữ trầm của một ca sĩ người Nga: “Ơ ầu ơ…!”. Ông nghe như chính lời ru của mẹ mình thời thơ ấu, dù tiếng ru ấy từ một phụ nữ châu Âu…

Năm 2001, ông được mời sang Mỹ trình diễn tác phẩm tại Đại học Columbia, Chicago. Tác phẩm dành cho tứ tấu dây và piano - ngũ tấu, ông viết khi nhớ đến mẹ, viết để “tặng mẹ”. Chủ đề chính tác phẩm sử dụng điệu hát ru Nam bộ... Khi các nhạc công người Mỹ vừa kết thúc phần trình diễn, một nữ giáo sư người Mỹ đã đến chúc mừng ông: “Tại sao mãi đến giờ, tôi mới được nghe tác phẩm này của ông. Tôi hiểu lúc viết tác phẩm, ông nhớ đến người mẹ vô cùng yêu thương của mình. Tôi là người mẹ có con ra trận, tôi rất đồng cảm tâm trạng mẹ ông và tôi xin được chia sẻ với ông…”. Qua nhiều năm, tác phẩm này tiếp tục công diễn thành công ở nhiều nước trên thế giới.

HUỲNH MẪN CHI

Tin cùng chuyên mục