Âm nhạc vang lên từ hoang tàn chiến tranh

Tiếng đàn vang lên xen lẫn với tiếng bom đạn từ các quận phía Tây của Mosul, nơi các lực lượng Mỹ và quân đội Iraq hậu thuẫn vẫn đang chiến đấu với IS. Chiến dịch tấn công Mosul khởi động từ tháng 8-2016 và chỉ một phần thành phố này được giải phóng. 
 Anh Mukdad chơi nhạc giữa hoang tàn của chiến tranh tại Mosul
Anh Mukdad chơi nhạc giữa hoang tàn của chiến tranh tại Mosul
Giữa những tàn tích của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mosul, Moses, Ameen Mukdad - nghệ sĩ violin người Iraq đã có sáng kiến tổ chức một buổi hòa nhạc nhỏ nơi đây khi anh chạy nạn lúc IS chiếm Mosul vào năm 2014. Mukdad từng phải chơi đàn lén lút khi sống dưới sự cai trị của IS tại Mosul. 

“Đây là nơi dành cho tất cả mọi người, không chỉ là của IS vì họ không đại diện cho tôn giáo mà là một hệ tư tưởng ngăn chặn tự do”, anh Mukdad nói với phóng viên Reuters. Theo Mukdad, mọi hoạt động văn hóa với IS đều có vấn đề. Dưới sự cai trị của IS, nhiều loại hình giải trí, trong đó có âm nhạc đã bị cấm. Nhưng trong tình cảnh phải chơi bí mật, Mukdad tiếp tục chơi nhạc ở nhà một mình lặng lẽ hoặc với một vài nhạc sĩ đồng nghiệp, đóng cửa sổ để tránh phát hiện. Hakam Anas, một trong những người bạn của anh đã thành lập một câu lạc bộ âm nhạc gồm những nghệ sĩ violin, thán phục cho biết: “Tôi đã không dám chơi vì quá sợ nhưng Mukdad vẫn tiếp tục. Chúng tôi đã cố thuyết anh rằng anh có thể dễ dàng bị giết, nhưng anh vẫn tiếp tục chơi”. Và một đêm nọ, các chiến binh đột nhập vào nhà của Mukdad, lấy nhạc cụ và thề sẽ trừng phạt Mukdad nhưng anh đã kịp trốn thoát đến Baghdad. IS xem việc Mukdad chơi nhạc là “vi phạm đạo đức của người Hồi giáo Sunni”. 

Buổi hòa nhạc nhỏ của anh kéo dài một giờ vào ngày 19-4, đánh dấu sự trở lại đầu tiên của anh ở thành phố Mosul. Mukdad cho biết anh đã chọn ngôi mộ của Jonas, trong đền thờ Hồi giáo của tiên tri Younis làm địa điểm trình diễn. Nơi đây được người Hồi giáo xem là biểu tượng của sự thống nhất. Mukdad nhấn mạnh: “Tôi muốn có cơ hội gửi thông điệp hòa bình đến thế giới và thông điệp chống khủng bố cũng như tất cả các hệ tư tưởng hạn chế tự do, nhất là với âm nhạc vì âm nhạc là điều tuyệt vời. Bất cứ ai phản đối âm nhạc bằng bạo lực là người xấu”. 

Mukdad đã công khai quảng cáo địa điểm và thời gian tổ chức buổi hòa nhạc trên phương tiện truyền thông xã hội - một động thái được xem là táo bạo ở Mosul vào thời điểm các chiến binh IS vẫn còn kiểm soát một phần thành phố bên sông Tigris này.

Những binh sĩ canh giữ địa điểm này ban đầu ngần ngại với buổi hòa nhạc vì nơi đây cũng vừa bị IS pháo kích và họ không thể bảo đảm an toàn cho công chúng xem nhạc. Nhưng rồi sau đó họ cũng nhượng bộ và quân đội Iraq trở thành khán giả tham gia đông và tích cực nhất. Trong khi đó, một dấu hiệu cho thấy cư dân Mosul vẫn còn ám ảnh IS nên chỉ có 20 người, chủ yếu là thanh niên, xem buổi hòa nhạc.

Chị Tahania Saleh, từng bị các chiến binh IS buộc phải ngưng học đại học, nói: “Buổi hòa nhạc giống như một giấc mơ. Tôi muốn đến để cùng gửi đi thông điệp rằng chiến tranh không thể ngăn chặn cuộc sống ở Mosul. Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều cảnh hoang tàn do chiến tranh nhưng chúng tôi vẫn muốn cảm nhận hạnh phúc, chúng tôi muốn nghe nhạc”.

Tin cùng chuyên mục