Đây là lô hàng do 7 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, tổng cộng 8.776 tấn gạo. Tàu đến Kota Kinabalu để chuyển tải theo lộ trình riêng của hãng tàu thì bị hải quan kiểm tra và tạm giữ.
Sau khi hải quan cửa khẩu Kota Kinabalu tạm giữ lô hàng trên, các bên có liên quan gồm người bán, người mua, hãng tàu, đại lý và hải quan cửa khẩu Kota Kinabalu đã làm việc với nhau. Tuy nhiên, sau các buổi làm việc thì vẫn chưa xác minh được nguyên nhân chính thức vì sao xảy ra sự việc trên và cũng không đưa ra bất kỳ biện pháp xử lý khả thi nào.
Được biết, cuối tháng 1-2019, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có văn bản chính thức đề nghị tổ chức Thương mại xuyên biên giới bang Sabah, Malaysia có sự tư vấn, hỗ trợ tác động đến các cơ quan hữu quan khu vực Kota Kinabalu sớm giải tỏa hàng hóa để các doanh nghiệp có thể thực hiện giao hàng đi tiếp đến Luaban trong thời gian sớm nhất.
Cho đến thời đểm này, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do không thực hiện giao hàng đến cảng Luaban cho người mua đúng hạn và chịu nhiều tổn thất do tính chất đặc thù của mặt hàng gạo. Thậm chí, có khả năng phải đối mặt với thưa kiện về thương mại. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Theo tờ Sabahnewstoday, lý do mà Cục Hải quan Sabah đưa ra là nghi ngờ các container đang được giữ ở Sepanggar có mục đích buôn lậu. Tuy nhiên, phía người bán đã đăng ký vào cảng kể từ ngày 24-9-2018 và Hải quan đã từ chối. Hiện lô hàng vẫn nằm trong khu vực ngoại quan của Hải quan và 100% dưới sự giám sát của Hải quan và Cảng.
Trong nhiều năm qua, sản lượng gạo thương mại Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Maylaysia duy trì ổn định ở mức khoảng 400.000 tấn/năm. Hiện rất nhiều doanh nghiệp đang mong chờ động thái can thiệp, tháo gỡ khó khăn từ phía Bộ Công thương.