50% thí sinh đăng ký thi môn khoa học xã hội

Hôm nay, 20-4 là ngày cuối cùng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia 2017.  Phóng viên SGGPO đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về  ĐKTD 2017 của thí sinh.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, hôm nay sẽ kết thúc việc ĐKDT của thí sinh, Thứ trưởng nhận xét gì về kết quả ĐKDT năm nay? Có những nét mới nào so với kết quả ĐKDT năm trước?

 Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 cùng lúc với ĐKDT nên các trường đại học đã công bố cụ thể đề án tuyển sinh của mình 10 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký.

Do thông tin về kỳ thi được cung cấp từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận ĐKDT đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ. Các sở GD-ĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối.

Trong những ngày gần kết thúc thời gian đăng ký vừa rồi, có lúc lưu lượng nhập dữ liệu tăng cao, nhưng bộ phận công nghệ thông tin đã có phương án máy chủ dự phòng để tăng cường lúc cao điểm.

Các sở GD-ĐT cũng đã phân tán việc nhập dữ liệu về các trường THPT nên không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Nhiều sở GD-ĐT đã kết thúc nhập dữ liệu lên hệ thống sớm hơn dự kiến. Thống kê dữ liệu cho thấy, năm nay tỷ lệ thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh ĐKDT bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh ĐKDT. 

 Năm nay, có một tín hiệu rất tích cưc, đó là thí sinh ĐKDT  bài thi khoa học xã hội nhiều hơn các năm, xin Thứ trưởng lý giải đâu là lý do?  Sự "đảo chiều"  tích cực này có ý nghĩa gì đối với ngành giáo dục?

Các năm trước, chủ yếu thí sinh chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống toán – lý - hoá (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn- sử- địa (khối C cũ), nên số thí sinh ĐKDT các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia cao vượt trội so với các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, với phương án thi năm 2017 có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Với quy định như vậy, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào ĐH, thí sinh cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để  đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.

Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc cũng giúp cho thí sinh ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn. Đó chính là những lý do khiến số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội tăng lên nhiều (trong khi thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên vẫn giữ ổn định như các năm trước).

Năm nay, Bộ GD-ĐT không hạn chế số nguyện vọng mà thí sinh đăng ký, vì vậy số thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng rất lớn (4-5 nguyện vọng), dẫn đến rất nhiều trường đại học cũng có số lượng đăng ký xét tuyển rất cao. Điều này mở ra cơ hội lớn cho thí sinh nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho công tác xét tuyển. Ý kiến của Thứ trưởng về điều này ra sao?

Việc cho phép thi sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn giúp cho thí sinh chọn được ngành mình yêu thích ở các trường có mức điểm trúng tuyển khác nhau. Những năm trước, trong đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký vào 2 trường với 4 nguyện vọng. Do đó thí sinh không thể đăng ký cả 4 nguyện vọng này cùng một ngành được. Đối với các trường thì khi cho phép thi sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng nên việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn. Bộ cũng đã lường trước được việc này nên đã có giải pháp hỗ trợ các trường trong lọc ảo.

Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất. Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của Bộ. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong danh sách mà các trường gửi lên. Để xử lý vấn đề thí sinh ảo hiệu quả, các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những thí sinh trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.

Có ý kiến cho rằng, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển chỉ thêm ảo và dễ trượt hơn chứ không phải đăng ký nhiều mà dễ trúng tuyển. Lời khuyên của Thứ trưởng ra sao,  nhất là với việc thí sinh vẫn có cơ hội để thay đổi nguyện vọng của mình sau khi có kết quả thi?

Thực tế cho thấy dù năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 nguyện vọng xét tuyển. Thậm chí có đến 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển duy nhất, 30% thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng. Điều này cho thấy các em rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm đeo đuổi. Đồng thời các em cũng đã biết phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học để không cần phải điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

Qua phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy đa số thí sinh đã có suy nghĩ kỹ càng khi thực hiện đăng ký: đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến. Tổng số nguyện vọng vì thế khoảng 4-5. Với cách thức đăng ký xét tuyển mà các em đã thực hiện như vậy tôi tin rằng sau khi có kết quả thi sẽ có ít thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, trừ những thí sinh có kết quả thi lệch xa với kết quả mà các em dự kiến.

Thứ trưởng đã từng phát biểu, thay đổi cách thi sẽ dẫn đến thay đổi cách học. Điều đó thể hiện cụ thể thế nào với kết quả ĐKDT năm nay của thí sinh?

Nhiều năm trước cứ mỗi lần đến mùa thi thì dư luận xã hội lại băn khoăn việc có ít thí sinh chọn thi các môn xã hội. Nhiều phòng thi chỉ có một vài thí sinh thi môn sử khiến xã hội lo lắng. Nhưng kết quả ĐKDT năm nay đã cho thấy bức tranh hoàn toàn khác: thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn bài thi khoa học tự nhiên mặc dù khi đăng ký xét tuyển vào đại học khối ngành tự nhiên vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội. Đây là tín hiệu tích cực vì với việc đăng ký chọn bài thi khoa học xã hội, các em phải dành thời gian ôn tập nhiều cho các môn này. Vì thế, việc học cũng toàn diện hơn, không chỉ nghiêng về một vài môn mà các em xác định dùng để xét tuyển đại học theo các khối xét tuyển truyền thống như trước. Sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này rõ ràng có tác động không nhỏ của việc đổi mới thi - tuyển sinh nói chung và đổi mới phương thức thi, cấu trúc bài thi nói riêng mà Bộ đang tiến hành.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục