50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Tri ân và tiếp bước

Chiều 5-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM trang trọng tổ chức họp mặt các nhân chứng và con của liệt sĩ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với chủ đề “Tri ân và tiếp bước”.

 

Một góc phố Sài Gòn trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu TTXVN
Một góc phố Sài Gòn trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu TTXVN

Tham dự có các đồng chí: Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Ôn lại sự kiện lịch sử cách đây 50 mùa xuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu nhắc nhớ, đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, súng đã nổ trên toàn miền Nam, trong đó, chiến trường trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, Đà Nẵng, Huế cùng hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 – Khe Sanh. Cả miền Nam, cả Sài Gòn trở thành cứ điểm. Ngay giữa lòng đô thành, ngay tại trung tâm đầu não của kẻ thù, cách mạng đã gầy dựng nên một chiến lũy của lòng dân, vùng căn cứ lõm, là hậu phương đồng thời cũng là tiền tuyến, tạo nên nhiều chiến công vang dội, tiêu hao sinh lực địch, khích lệ tinh thần tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam. Từ đó, làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang; chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc không điều kiện và chấp nhận đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Về vai trò của MTTQ, bà Tô Thị Bích Châu cho hay, ngày 20 và 21-4-1968, tại Tây Ninh, Lời Tuyên ngôn cứu nước và Cương lĩnh hành động của Liên minh Dân tộc, Dân chủ, Hòa bình miền Nam Việt Nam đã mở rộng, đào sâu vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến trường lẫn chính trường, trong lẫn ngoài nước; là một trong những điểm son của lịch sử MTTQ Việt Nam. Từ Chương trình 10 điểm của mình, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng củng cố và mở rộng khối đoàn kết dân tộc, tổ chức và động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; tập trung xây dựng cơ sở cách mạng ở khắp mọi nơi, từ làng quê cho đến khắp hang cùng, ngõ hẻm trong nội đô, tạo tiền đề cho một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa…

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, 50 năm đã đi qua nhưng những vết thương trong lòng dân tộc – nhìn từ cuộc chiến tranh giữ nước, với sự kiện lịch sử Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vẫn còn đó. Có rất nhiều nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân, máu, một phần thân thể của những người con ưu tú đã gửi lại cho Tổ quốc. Cũng có những người con, là thân nhân của các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. 50 năm, những đứa con lớn lên, trưởng thành trong sự thiếu vắng của tình cha tình mẹ; và có cả những người vợ, người mẹ vẫn tựa cửa thời gian mà trông ngóng chồng, đợi tin con; dù chỉ là nắm hài cốt còn lưu lại. 50 năm, vẫn còn những cuộc đi tìm đồng đội. “Cuộc họp mặt này, là sự thành kính tri ân những con người đã ngã xuống, tri ân những con người thầm lặng gánh chịu những mất mát của chiến tranh, để san sẻ tình riêng cho vận mệnh chung, để đâu đó vẫn chấp nhận cả những thiệt thòi chưa kịp bù đắp trong thời hậu chiến. Lòng biết ơn sẽ dẫn dắt những bước đi, những sự tiếp nối để làm sao sống cho xứng đáng, cho không hổ thẹn trước những hy sinh để làm nên chiến thắng của thế hệ trước mà thế hệ sau được nhận lãnh, truyền trao và thụ hưởng”, bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.

Cùng ngày, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 tổ chức họp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tham dự có Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đương, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hồng, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình có công, các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và những người đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Tri ân và tiếp bước ảnh 1 Bí thư Quận ủy Quận 11 Ngô Văn Luận và Chủ tịch UBND Quận 11 Trần Thị Bích Liên tặng quà cho hai Mẹ Việt Nam anh hùng

* Trước đó, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 10 tổ chức Họp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đến dự có các đồng chí: Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Trung ương, nguyên Bí thư Quận ủy quận 10; Huỳnh Thị Xuân Lam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Quận ủy quận 10; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, tướng lĩnh quân đội, đảng viên cao tuổi đảng của Đảng bộ quận cùng nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo quận 10 qua các thời kỳ.

Địa bàn quận 10 là nơi các lực lượng vũ trang vào sâu trong nội thành, nhiều cơ sở bí mật, địa bàn chiến đấu quyết liệt nay đã trở thành những địa chỉ đỏ như Bia Vườn Lài, hầm bí mật chứa vũ khí và nhiều tấm gương hy sinh anh dũng đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của Đảng bộ quận 10.

50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Tri ân và tiếp bước ảnh 2 Lãnh đạo quận 10 qua các thời kỳ trò chuyện, ôn lại kỷ niệm   

Tin cùng chuyên mục