5 nhóm giải pháp bình ổn thị trường giai đoạn 2017-2022

Sau 15 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng thiết yếu đã đi vào nề nếp và ổn định, số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng hàng hóa ngày càng tăng. Do vậy, bên cạnh việc triển khai CTBOTT trong từng năm và Tết Nguyên đán, bắt đầu từ năm 2017, TPHCM cũng đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm thực hiện CTBOTT theo từng giai đoạn là 5 năm.

Sau 15 năm thực hiện, chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng thiết yếu đã đi vào nề nếp và ổn định, số lượng các doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng hàng hóa ngày càng tăng. Do vậy, bên cạnh việc triển khai CTBOTT trong từng năm và Tết Nguyên đán, bắt đầu từ năm 2017, TPHCM cũng đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm thực hiện CTBOTT theo từng giai đoạn là 5 năm.

Phát huy tối đa nguồn lực tham gia BOTT

Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện CTBOTT giai đoạn 2002-2017 của UBND TPHCM nêu rõ, chương trình đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất, đó là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân; đặc biệt là người lao động thu nhập thấp, nhận được sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành trung ương, sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và được người dân thành phố tin tưởng. Chương trình thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá cả thị trường một cách hữu hiệu, thiết thực của thành phố, minh chứng rõ nét cho quan điểm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả của chương trình đã được Chính phủ cùng Bộ Công thương ghi nhận và đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng mô hình trong cả nước. Tính  đến nay đã có 48 tỉnh, thành triển khai thực hiện CTBOTT.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc tham gia Cộng đồng ASEAN, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; công tác triển khai CTBOTT trên địa bàn TPHCM vừa phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước; đồng thời phải đảm bảo để thị trường vận hành hiệu quả. Do đó, quan điểm của UBND TPHCM khi thực hiện CTBOTT trong giai đoạn mới 2017-2022 là tiếp tục thực hiện thông qua điều hòa cung - cầu hàng hóa; dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. BOTT thông qua gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian; từ đó giảm giá thành đến tay người tiêu dùng, đảm bảo lợi nhuận của nhà sản xuất; quản lý thị trường hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất.

HTX Phú Lộc cung ứng ra thị trường nhiều loại rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ảnh: CAO THĂNG

Trong dài hạn, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, TPHCM tiếp tục nghiên cứu, cập nhật và bổ sung mới phương thức triển khai thực hiện CTBOTT; trong đó, chú trọng phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia CTBOTT nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP trong bối cảnh chung của đất nước ở từng giai đoạn phát triển dưới tác động ngày càng trực tiếp và mạnh mẽ của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Theo đó, CTBOTT sẽ được hoạch định phát triển theo hướng xã hội hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực thu hút lẫn nhau và gắn kết cùng nhau để tăng cường lực lượng vật chất cho chương trình nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước và đảm bảo hài hòa với những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước và thành phố.

Triển khai 5 nhóm giải pháp

Để thực hiện hiệu quả CTBOTT giai đoạn 2017 - 2022, TPHCM đề ra 5 nhóm giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá thị trường để định hướng sản xuất, tạo nguồn hàng; nhóm giải pháp tạo nguồn cung hàng hóa bền vững; nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa; nhóm giải pháp quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống gian lận thương mại; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Theo UBND TPHCM, hiện nay công tác dự báo nhu cầu tiêu thụ chủ yếu sử dụng thông tin số liệu từ Cục Thống kê. Cơ quan tham mưu triển khai CTBOTT chỉ xác định tổng cầu, việc đánh giá thị trường còn cảm quan, chưa tham tham khảo ý kiến chuyên gia, chưa phản ánh rõ xu hướng tiêu dùng, thói quen mua hàng.

Trong giai đoạn hiện nay, sự bùng phát của các dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng thực phẩm của người tiêu dùng. Nhu cầu về thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch xuất hiện và trở thành nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Sự tuyên truyền hiểu biết về an toàn thực phẩm, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông, giúp người tiêu dùng hiểu được vai trò của thực phẩm an toàn trong việc bảo vệ sức khỏe. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín, chất lượng thực phẩm đảm bảo để tránh gặp vấn đề ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, bên cạnh tiêu chí tổng cầu - tổng cung, công tác dự báo, đánh giá thị trường, việc thực hiện CTBOTT bổ sung thêm một số tiêu chí liên quan đến thói quen tiêu dùng như sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ sử dụng thực phẩm an toàn, xu hướng lựa chọn điểm mua hàng…

Nhóm giải pháp tạo nguồn cung hàng hóa bền vững, để điều hòa cung - cầu hàng hóa thực hiện CTBOTT sẽ chủ động nguồn cung bền vững với quy mô sản xuất lớn, chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hướng tới, TPHCM xây dựng chuỗi cung ứng tối ưu các sản phẩm BOTT từ lợi thế có nhà máy chế biến lúa gạo, nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm… quy mô lớn, thị trường xuất khẩu, mạng lưới phân phối nội địa ổn định và thương hiệu uy tín của các DN BOTT. Theo đó, thành phố sẽ phối hợp các địa phương lân cận hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng đối với các nhóm sản phẩm như lúa gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả. Đề làm tốt nội dung này, thành phố xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực thực hiện CTBOTT là xu hướng tất yếu vì trong thị trường cạnh tranh, rất khó để một DN hay nhóm DN nhỏ nào có thể chi phối thị trường.

Để phát huy tối đa hiệu quả thực hiện CTBOTT, công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống gian lận thương mại có vai trò rất quan trọng, đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, giá cả thị trường vận động đúng quy luật cung - cầu, các thành phần tham gia thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, sản phẩm BOTT đến tay người tiêu dùng đúng giá chương trình công bố. Tiếp tục vận hành có hiệu quả đường dây nóng của chương trình, tiếp nhận nhanh, đầy đủ và phản hồi, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh từ người tiêu dùng. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các chuyên trang và kênh truyền hình về thị trường. Điều quan trọng, thành phố gắn kết thường xuyên với các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của thành phố, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện chương trình.

Phát triển 10.552 điểm bán hàng bình ổn

Đến nay, toàn thành phố đã có 240 chợ, 192 siêu thị, 41 trung tâm thương mại, hơn 900 cửa hàng tiện lợi, trên 160.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ với hơn 20 thương hiệu phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Vinmart, FoocoMart, BigC, Lotte, Shop & Go, Circle K, FamilyMart, BS Mart… nhằm phục vụ cho nhu cầu của hơn 13 triệu dân của TPHCM. Qua đó, có thể thấy được hệ thống thương mại thành phố thật sự đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng.

Trong đó, mạng lưới điểm bán hàng BOTT có sự gia tăng nhanh; năm 2002, chương trình có 242 điểm bán chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, thì sau 15 năm, chương trình đã phát triển 10.552 điểm bán, phủ kín 24 quận huyện, đảm bảo cung ứng hàng BOTT đến tận tay người tiêu dùng, kể cả người dân tại khu vực quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất-khu công nghiệp.

Trong giai đoạn 2017-2022, TPHCM xác định, CTBOTT tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời gắn với việc phát triển hạ tầng thương mại, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa. Kết hợp giữa các loại hình phân phối truyền thống và hiện đại để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng hạ tầng ngành thương mại. Đối với mạng lưới phân phối truyền thống, thành phố tập trung sửa chữa, nâng cấp mạng lưới chợ; duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông... Khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại các khu vực đầu mối kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga tàu điện ngầm (metro). Khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh; kết hợp giữa thương mại điện tử (online) với các loại hình phân phối truyền thống (offline).

Để thực hiện hiệu quả, TPHCM sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được cụ thể hóa thành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn. Nguyên tắc phân bổ hệ thống hạ tầng thương mại như cơ sở hạ tầng hệ thống phân phối hàng hóa là bộ phận cấu thành của hạ tầng đô thị, phát triển dựa trên quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông. Kết hợp hài hòa cơ chế tự điều tiết của thị trường với sự điều tiết của Nhà nước thông qua việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) theo cam kết hội nhập cụ thể. Nhu cầu tiêu dùng trong từng khu vực và đặc điểm của từng loại hình phân phối là căn cứ xem xét việc phân bố, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại cụ thể.

Hùng Nguyễn - Uyển Chi

Tin cùng chuyên mục