44 doanh nghiệp tham gia cung ứng hơn 500 sản phẩm an toàn

Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là 1 trong 4 chương trình được TPHCM thực hiện song song. Với 44 doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng hơn 500 sản phẩm, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm (CTBOTT LTTP) hiện có quy mô lớn và sản lượng hàng hóa chi phối mạnh mẽ trên thị trường. Nét mới của chương trình năm nay là các DN tập trung phát triển chuỗi cung ứng nhằm ổn định số lượng, chất lượng, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Chương trình bình ổn lương thực - thực phẩm 2017

Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là 1 trong 4 chương trình được TPHCM thực hiện song song. Với 44 doanh nghiệp (DN) tham gia, cung ứng hơn 500 sản phẩm, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm (CTBOTT LTTP) hiện có quy mô lớn và sản lượng hàng hóa chi phối mạnh mẽ trên thị trường. Nét mới của chương trình năm nay là các DN tập trung phát triển chuỗi cung ứng nhằm ổn định số lượng, chất lượng, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hàng bình ổn chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường

CTBOTT LTTP năm 2017 - Tết Mậu Tuất 2018 được triển khai từ ngày 1-4-2017, kết thúc vào ngày 31-3-2018 với 8 ngân hàng tham gia cung ứng nguồn vốn vay ưu đãi và 44 DN sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa. So với năm ngoái, CTBOTT LTTP năm nay tăng thêm 2 DN.

Về mặt hàng, chương trình năm nay tiếp tục thực hiện bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng chủ lực, gồm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Ngoài những nhóm hàng thực phẩm thiết yếu cung ứng cho nhu cầu hàng ngày, chương trình vẫn tiếp tục thực hiện bình ổn đối với các nhóm hàng như nấm rơm, nấm mèo, các chủng loại thủy hải sản khô, chế biến nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng TP. Theo tính toán của Sở Công thương TPHCM, tổng số hàng thực phẩm trong diện bình ổn hiện đã vượt con số 500 sản phẩm.

Chế biến cá VietGAP cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu tại doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường APT. Ảnh: CAO THĂNG

Về sản lượng hàng hóa, dựa vào sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân TP và dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo nguồn hàng, lượng hàng đăng ký của DN, TPHCM đã phân bổ cho DN thực hiện bình ổn thị trường năm 2017, trong đó hàng bình ổn chiếm khoảng 25%-30% nhu cầu thị trường các tháng thường và chiếm 30%-40% nhu cầu thị trường các tháng cận tết và tăng nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2016.

Tính đến nay, hầu hết các DN đăng ký tham gia chương trình đều có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về nguồn cung, sản lượng hàng hóa để cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, công tác chuẩn bị hàng hóa tham gia CTBOTT 2017 và Tết Mậu Tuất 2018 đã được Saigon Co.op chủ động lên kế hoạch rất chu đáo. Năm nay, Saigon Co.op vẫn tham gia đầy đủ 9 nhóm hàng như các năm vừa qua. Để đảm bảo đủ hàng hóa, Saigon Co.op đang thực hiện việc ứng vốn cho các DN, HTX vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa cho chương trình. Mặt khác, Saigon Co.op cũng chủ động tổ chức sản xuất để đảm bảo lượng hàng bình ổn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và có kế hoạch dự trữ đề phòng khi thị trường có biến động.

Trong xu hướng kinh doanh năm 2017, Saigon Co.op tiếp tục phát triển và ưu tiên cho các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, góp phần định hướng tiêu dùng cho người dân, từng bước loại bỏ các mặt hàng không an toàn trên thị trường. Mặt khác, Saigon Co.op cũng liên kết với các tỉnh, thành có thế mạnh trong từng mặt hàng để phối hợp sản xuất các loại thực phẩm hữu cơ như gạo, rau củ quả… Trong năm 2016, Saigon Co.op đã đưa vào hệ thống siêu thị Co.opmart sản phẩm gạo sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Dự kiến trong quý 2-2017, đơn vị này tiếp tục đưa ra bán các sản phẩm rau củ quả được sản xuất theo quy trình này, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Tại Công ty CP Vissan, Công ty San Hà, Phạm Tôn, Ba Huân… cũng đang theo đuổi chiến lược khép kín quy trình sản xuất, chế biến “từ trang trại đến bàn ăn”. Để làm được việc này, bản thân mỗi đơn vị đã tập trung phát triển tổng đàn, đồng thời liên kết chặt chẽ với các đối tác có năng lực để cung ứng nguồn nguyên liệu an toàn. Trong quy trình giết mổ cũng có sự đầu tư khá bài bản để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tập trung phát triển điểm bán

 Sản lượng 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ lực năm 2017

+ Nhóm lương thực: tháng thường 7.924 tấn/tháng, tháng tết 6.114  tấn.

+ Đường RE, RS: tháng thường 1.852 tấn/tháng, tháng tết 2.362 tấn/tháng.

+ Dầu ăn: tháng thường 735,4 tấn/tháng; tháng tết 1.132,4 tấn/tháng.

+ Thịt heo: tháng thường 3.606 tấn/tháng; tháng tết 4.637 tấn/tháng, tăng 81,6%.

+ Thịt gia cầm: tháng thường 11.128,6 tấn/tháng, tháng tết 12.261,5 tấn/tháng.

+ Trứng gia cầm: tháng thường 34,23 triệu quả/tháng, tháng tết 43,4 triệu quả/tháng.

+ Thực phẩm chế biến: tháng thường 670,54 tấn/tháng, tháng tết 1.351,12 tấn/tháng.

+ Rau củ quả: tháng thường 5.668 tấn/tháng, tháng tết 8.540 tấn/tháng.

+ Thủy hải sản: tháng thường 650,3 tấn/tháng, tháng tết 869,2  tấn/tháng.

 

Theo Sở Công thương TPHCM, việc triển khai CTBOTT LTTP năm nay tiếp tục được xã hội hóa ở mức cao nhất, số lượng và thành phần các DN tham gia chương trình rất đa dạng. Đáng lưu ý, hầu hết các DN đều có thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các ngân hàng cam kết dành cho chương trình với lãi suất hợp lý là điều kiện tốt để các DN tăng cường đầu tư, liên kết các tỉnh, thành phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân TP.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, phát triển điểm bán mới, đồng thời nâng cấp các điểm bán hiện hữu là một trong những công tác trọng điểm của chương trình bình ổn năm nay. Để thực hiện được mục tiêu này, tại Quyết định số 1579 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến ký, ban hành vào đầu tháng 4-2017 về Kế hoạch thực hiện CTBOTT LTTP trên địa bàn TPHCM năm 2017 và Tết Mậu Tuất 2018, đã phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành chức năng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN mở rộng, phát triển điểm bán. Theo đó, TP khuyến khích DN tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, KCN, KCX, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven, huyện ngoại thành trên địa bàn TP; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.

TP sẽ đẩy mạnh chương trình hợp tác giữa DN BOTT với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh để phát triển các cửa hàng liên kết thanh niên, cửa hàng liên kết phụ nữ gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng số lượng, chủng loại hàng hóa bình ổn tại các cửa hàng này. TP cũng khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình, chấp hành các quy định và chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng BOTT trong chương trình.

UBND TP cũng giao nhiệm vụ cho UBND các quận, huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát, giới thiệu các mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích cho DN tham gia chương trình đầu tư phát triển cửa hàng, siêu thị; hỗ trợ phát triển điểm bán hàng BOTT tại các chợ truyền thống; trong đó ưu tiên phân phối những mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả. Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) nhằm đưa hàng bình ổn vào các bếp ăn tập thể nhằm ổn định giá cả và chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày của công nhân.

Năm 2017 là năm thứ 5 TPHCM thực hiện bình ổn theo cơ chế mới. Về cơ bản chương trình đang vận hành khá suôn sẻ, nguồn vốn thực hiện rất dồi dào. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu DN gặp khó khăn, cần báo ngay cho các sở, ngành chức năng để tìm biện pháp giải quyết kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN thực hiện chương trình, góp phần ổn định an sinh xã hội.

 Danh sách 44 doanh nghiệp tham gia cung ứng các mặt hàng

° Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (gạo thơm, gạo trắng thường 5% tấm).

° Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (thịt heo tươi sống, gà thả vườn nguyên con, thực phẩm chế biến).

° Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op (tham gia đầy đủ 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ lực).

° Công ty TNHH Ba Huân (trứng gà, trứng vịt, thịt gà công nghiệp, thực phẩm chế biến).

° Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (trứng gà, trứng vịt).

° Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thanh Niên Xung Phong (trứng gà).

° Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan (thịt heo tươi sống, thực phẩm chế biến).

° Công ty TNHH Phạm Tôn (gà ta nguyên con, gà công nghiệp nguyên con, gà thả vườn  nguyên con, gà công nghiệp pha lóc, thịt vịt nguyên con).

° Công ty TNHH San Hà (thịt gà ta Ngọc Hà, thịt gà Hương Thảo, gà thả vườn nguyên con, gà công nghiệp, gà công nghiệp pha lóc, vịt nguyên con).

° Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (thịt gà công nghiệp nguyên con, trứng gà).

° Công ty CP Đầu tư Vinh Phát (gạo thiên kim Tây Đô, gạo thiên kim Hương Lài, gạo thiên kim AAA).

° Công ty CP Lương thực TPHCM (gạo thông dụng, gạo thơm Jasmine).

° Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương (gạo trắng hạt dài, gạo thơm Jasmine).

° Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (mì, phở, bún… khô  và Bún, phở, hủ tiếu, bánh hỏi tươi, nước tương).

° Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (nước mắm Phú Quốc).

° Công ty CP Kinh doanh nước mắm Phan Thiết - Mũi Né (nước mắm).

° Công ty TNHH TM-SX Hưng Việt (nước mắm).

° Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành (nước mắm).

° Công ty TNHH Sản xuất chế biến thủy hải sản và thương mại Thanh Phát (nước mắm).

° Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (thực phẩm chế biến).

° Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (thực phẩm chế biến).

° Công ty TNHH Việt Tùng (thực phẩm chế biến).

° Công ty CP Sài Gòn Food (thực phẩm chế biến).

° Công ty TNHH TMSX Hải Nam (thủy hải sản; bún, phở, bánh tráng khô).

° Công ty TNHH TM-DV Siêu thị BigC An Lạc (gạo trắng thường, dầu ăn, thịt heo, thực phẩm chế biến, nước  mắm).

° Công ty CP Lương thực, thực phẩm Colusa Miliket (mì, bún khô).

° Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng (gạo trắng thơm, gạo trắng thường 5% tấm, thịt gà thả vườn nguyên con, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, lương thực chế biến).

° HTX  Dịch Vụ nông Nghiệp tổng hợp Anh Đào (rau củ quả).

° Công ty TNHH SX-TM Nông sản Phong Thúy (rau củ quả).

° Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (rau củ quả).

° Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (đường RE, đường RS, dầu ăn).

° Công ty TNHH Thực phẩm 2 (đường RE, đường RS).

° Công ty CP Thủy đặc sản Việt Nam Seaspimex (thực phẩm chế biến).

° Công ty TNHH MTV TM-DV Nhân Dân (dầu ăn, gạo Jasmine).

° Công ty TNHH Đầu tư TM-DV Khang Gia Land (gạo trắng thơm, gạo trắng thường, dầu ăn).

° Công ty CP Thương mại dịch vụ Cần Giờ (gạo trắng thường, đường RE, dầu ăn).

° Công ty CP Thương mại Thành Thành Công (đường RS).

° Công ty TNHH Quốc tế Phước Thắng (đường RE, dầu ăn, mì, bún khô).

° HTX Thương mại dịch vụ Hoa Xuân (rau củ quả, gạo trắng thơm).

° Công ty TNHH Hồng Thu Ngân (đường, dầu ăn, gạo trắng thường).

° Nông nghiệp TM-DV Phú Lộc (rau củ quả).

° HTX Nông nghiệp sản xuất TM-DV Phước An (rau củ quả).

° Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ánh Nhi (rau củ quả).

° Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (rau củ quả).

(Nguồn: UBND TPHCM)

UYỂN CHI

Tin cùng chuyên mục