Mặc dù tốc độ tăng GDP đạt đến 6,81%; kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 20%... nhưng mục tiêu của năm 2018 đề ra khá “khiêm tốn” so với năm 2017: GDP tăng khoảng 6,5-6,7% và xuất khẩu tăng từ 8-10%. Có lẽ đây là lần đầu tiên Chính phủ không theo thông lệ đề ra “kế hoạch năm sau cao hơn năm trước”.
Nhận diện những tồn tại
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm, giai đoạn năm 2001-2005 bình quân 7,33%/năm, giai đoạn năm 2006-2010 bình quân 6,32%/năm, giai đoạn 2011-2015 bình quân 5,96%/năm và tiếp tục suy giảm khi bước vào kế hoạch 2016-2020 trong năm 2016 và quý I-2017.
Từ quý II-2017, nền kinh tế đã hồi phục, tốc độ tăng trưởng để cả năm đạt mức 6,81%, nhưng vấn đề đang đặt ra là phải xác định những động lực, những dư địa nhằm hướng các chính sách tác động vào để tiếp tục giữ đà phục hồi tốc độ tăng trưởng, chấm dứt thời kỳ suy giảm và đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm trong kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Thứ hai, chủ trương tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được xác định trong Chiến lược 10 năm từ 2011-2020, nhưng đến nay có sự chuyển biến quá chậm. Chất lượng tăng trưởng chậm cải thiện, nền công nghiệp chủ yếu vẫn là gia công; nền sản xuất nông nghiệp chưa tận dụng được lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, chịu quá nhiều rủi ro về thị trường, dễ bị tổn thương; mô hình kinh tế hộ nông nghiệp ngày càng bất cập; chính sách năng lượng không kích thích đổi mới công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo.
Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô và lao động rẻ không chỉ mất lợi thế, mà đang thành yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập và tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ. Từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh kém đã được nhìn nhận từ nhiều năm trước, nhưng kết quả đạt được còn quá ít.
Thứ ba, nền kinh tế còn tiềm ẩn sự bất ổn vĩ mô. Tăng trưởng dựa phần lớn vào nợ, chứ không phải dựa vào tích lũy, kể cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp (DN) tạo nên gánh nặng tài chính: DN sống nhờ chủ yếu vào tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM), Nhà nước dựa vào nợ công để đầu tư.
Thị trường tài chính phát triển khập khiễng, mất cân đối giữa thị trường vốn (trung và dài hạn) và thị trường tiền tệ (ngắn hạn); hệ thống NHTM tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ tổn thương. Thị trường bất động sản phát triển méo mó về cung – cầu, không ít DN dựa vào “kinh doanh cơ chế” đã góp phần quan trọng gây ra tình trạng nợ xấu trong thời gian qua. Năm 2017, cả 2 thị trường tài chính và bất động sản đều khởi sắc, nhưng vẫn thiếu minh bạch và tiềm ẩn rủi ro.
Thứ tư, khu vực kinh tế nội địa chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế cá thể (hộ sản xuất kinh doanh nông-công nghiệp, dịch vụ), còn khu vực DN tư nhân chậm phát triển. Khoảng 700.000 DN tư nhân hoạt động theo Luật DN, chỉ đóng góp từ 9-10% GDP trong số hơn 40% GDP đóng góp của khu vực tư nhân, mặc dù số lượng DN tăng.
Từ giai đoạn 2006-2010 đến nay, nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ, trong đó khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng ổn định, khu vực kinh tế trong nước suy yếu. Nếu khu vực kinh tế trong nước đuối tầm trong cạnh tranh, thì chính là nguy cơ trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Động lực để DN tư nhân vượt qua tình trạng “chậm lớn” để phát triển như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn là nhiệm vụ dài hạn trong chính sách vĩ mô.
Thứ năm, hệ thống pháp luật xảy ra xung đột, chồng chéo, môi trường pháp lý vẫn còn thiếu minh bạch; cải cách thể chế kinh tế thiếu đồng bộ với cải cách nền tài chính công và hành chính công, nên những nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ trong thời gian qua mang lại hiệu quả thấp; thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của DN. Để xử lý đồng bộ giữa hoàn thiện thể chế kinh tế với cải cách nền tài chính công và hành chính công, liên quan đến cả bộ máy và con người, nên gặp nhiều khó khăn.
Chính sách kinh tế giải bài toán kép
Ngay từ ngày đầu năm 2018, với phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế xã hội và ngân sách năm 2018, trong đó về kinh tế vĩ mô tập trung các giải pháp vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP, vừa thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2016.
Cụ thể, 5 nội dung trọng tâm tái cơ cấu được đặt ra gồm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước gồm tái cơ cấu DN nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tái cơ cấu các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Để thực hiện mục tiêu này có 10 nhiệm vụ ưu tiên gồm: cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN tư nhân; kiên quyết cổ phần hóa DN nhà nước và thoái vốn nhà nước; hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công; tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công; đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm; hiện đại hóa quy hoạch, kế hoạch; tái cơ cấu các ngành kinh tế ưu tiên; nông nghiệp phát triển theo hướng mở rộng sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất xanh, sạch, chất lượng nông sản, hệ thống phân phối; bãi bỏ hoặc nới lỏng các quy định cản trở việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp…
Theo đó, một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 đã được đặt ra. Cụ thể, năng suất lao động tăng bình quân 5,5-6%/năm; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 30-35% tốc độ tăng GDP; thu hẹp khoảng cách về cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4; lạm phát dưới 4%. Đồng thời, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 4-5 tháng nhập khẩu; tổng đầu tư xã hội khoảng 32-34% GDP; 24-25% ngân sách nhà nước dành cho đầu tư.
Giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%, phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư.
Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN, 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, hằng năm có 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Đồng thời, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.
3 năm còn lại (năm 2018, 2019 và 2020) của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế 2016-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với 15 năm phát triển tiếp theo (giai đoạn 2021-2035) của Việt Nam. Đây là giai đoạn chuyển mình từ một nền kinh tế tăng trưởng về lượng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương và kém hiệu quả sang một nền kinh tế tăng trưởng về chất, có sức cạnh tranh cao nhờ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực. Kỳ vọng năm 2018 sẽ khẳng định xu hướng mới: Kinh tế Việt Nam bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới với chất lượng cao hơn.