20 năm chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhi nghèo

Đến khu cư xá La San (đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM), khi chúng tôi vừa hỏi nhà của lương y Nguyễn Văn Hòa Bình (người dân thường gọi thân mật là “thầy Bình”), thì có người liền dắt chúng tôi tới nhà thầy.
20 năm chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhi nghèo

Đến khu cư xá La San (đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM), khi chúng tôi vừa hỏi nhà của lương y Nguyễn Văn Hòa Bình (người dân thường gọi thân mật là “thầy Bình”), thì có người liền dắt chúng tôi tới nhà thầy.

Ông bụt của những đứa trẻ bệnh tật

Lương y Nguyễn Văn Hòa Bình năm nay 62 tuổi, sinh ra ở huyện Đức Huệ, lớn lên ở huyện Đức Hòa (Long An), trong một gia đình có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Thầy Bình được theo học nghề của các lương y nổi tiếng thời bấy giờ và học tại Hội Đông y châm cứu Biên Hòa (Đồng Nai). Trải qua nhiều năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, năm 1995 thầy lui về sống cuộc sống giản dị, bình yên, hàng ngày thăm bệnh và bốc thuốc cho hàng chục đứa trẻ ở khắp mọi miền đất nước tìm đến thầy.

Lương y Nguyễn Văn Hòa Bình dìu bé Lâm Gia Khiêm điđể quan sát tiến bộ của bé trong điều trị

Mất gần 8 tiếng ngồi xe từ Kiên Giang lên TPHCM, nhưng cứ 40 ngày thì vợ chồng anh Lâm Chí Quân (ngụ xã Hòa Lợi, huyện Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang) lại đưa con lên nhờ thầy Bình thăm khám và bốc thuốc một lần. Bé Lâm Gia Khiêm (4 tuổi, con anh Quân) bị mắc bệnh động kinh khi mới 4 tháng tuổi, kèm theo đó là bệnh tuần hoàn não hoạt động không ổn định. Mấy năm điều trị ở bệnh viện nhưng không khỏi, thậm chí bác sĩ còn thông báo cháu chỉ nằm một chỗ, không thể ngồi được. Đưa con về quê, nhưng không cam lòng, ai chỉ đâu có bác sĩ giỏi là vợ chồng anh lại ôm con đi chạy chữa, nhưng bệnh tình bé Khiêm vẫn không thuyên giảm. Anh Quân kể: “Vợ chồng tôi buồn dữ lắm, đến lúc như muốn buông xuôi thì xem tivi thấy chương trình về lương y Bình, thế là hai vợ chồng lập tức đem cháu lên nhờ thầy Bình khám. Nhờ bàn tay thầy Bình, giờ cháu đã ăn được, 2 tháng nay cháu đã đi lại được nếu có người dìu và đã có phản ứng khi người khác hỏi chuyện”.

Trong số bệnh nhân đến điều trị miễn phí tại nhà lương y Bình, Nguyễn Thị Linh (23 tuổi, ngụ xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là lớn tuổi nhất. Linh vừa tốt nghiệp đại học thì bị mắc bệnh bại não, rơi vào trạng thái hôn mê sâu hơn 7 tháng, cơ thể cứng đờ và phải uống sữa bằng đường ống thông qua mũi. Chị Nhi (mẹ của Linh) tâm sự: “Linh là con duy nhất trong nhà, những lúc nhìn con đau đớn, vợ chồng tôi thực sự tuyệt vọng, khóc ròng. May mắn đến với gia đình tôi khi hàng xóm cho địa chỉ của thầy Bình. Sau hơn 4 tháng được thầy Bình điều trị, nay con tôi đã ăn uống và trò chuyện được với người xung quanh. Nhìn nụ cười của con, chúng tôi như sống lại. Tôi mừng lắm, chỉ biết gửi lời cảm ơn thật nhiều đến thầy Bình”.

Chữa bệnh phải có niềm tin

Bệnh nhân của thầy Bình chủ yếu là trẻ em bị mắc các bệnh về não, như bại não thể cứng, bại não thể mềm, não úng thủy, nang não, tăng động… Thầy Bình tâm sự: “Các cháu bị bệnh nan y, bệnh viện trả về nên hầu hết các gia đình đều suy sụp tinh thần. Chữa bệnh, quan trọng là kiên trì và có niềm tin. Nếu tinh thần không tốt thì dù bằng phương pháp nào cũng rất khó khỏi bệnh. Do đó, việc những bệnh nhân đến với tôi, không phải lo lắng về chuyện tiền bạc cũng đã giúp họ thoải mái phần nào; bản thân tôi luôn gần gũi, coi bệnh nhân như con, cháu của mình, thì mới hết tâm, hết lòng chữa trị cho các bé được”.

Với thầy Bình, thuốc để chữa bệnh cho trẻ nhỏ cần phải thận trọng, không được sai vị thuốc hoặc nhầm lẫn. Thầy Bình thường tự đi tìm mua hoặc đi hái các loại thảo dược. Với những vị thuốc chỉ có trên rừng, thầy may mắn được những gia đình bệnh nhân thầy từng chữa xung phong đi tìm rồi gửi xuống. Bao năm nay vẫn vậy, phải tận tay lựa chọn và bào chế từng vị thuốc thì thầy mới yên tâm. Nhiều gia đình ở xa, không có điều kiện tới khám thường xuyên, thầy nắm bắt tình hình qua điện thoại để cân nhắc bốc thuốc gửi về tận nhà người bệnh. Nói về việc chữa bệnh miễn phí suốt 20 năm qua, thầy chia sẻ: “Đặt vào vị trí người làm cha làm mẹ, tôi thấu hiểu nỗi lòng của những người có con bệnh tật, đau đớn và khó khăn gấp ngàn lần nuôi đứa trẻ bình thường. Tôi quan niệm rằng làm được gì cho người khác bớt gánh nặng, bớt nỗi đau thì cứ làm. Tâm mình hài lòng thì tự khắc cuộc sống xung quanh mình sẽ hạnh phúc, tốt đẹp”.  Chính tấm lòng nhân ái ấy, chính cái duyên của thầy với nghề, với con trẻ, dù không phải bé nào cũng khỏi bệnh hoàn toàn nhưng sức khỏe của phần lớn bé trong số đó ngày càng tốt hơn, nhiều cha mẹ có thêm hy vọng về cuộc sống, về tương lai của con mình.


THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục