Ngày 30-11, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã mời các đơn vị liên quan và đại diện 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cùng với 19 chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng, gỉ sét để bàn phương án đền bù, hỗ trợ chi phí trong thời gian tàu hư hỏng nằm bờ, sửa chữa.
Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, phía 19 chủ tàu yêu cầu các doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại cho họ là hơn 36 tỷ đồng. Ngoài ra, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định, trong 19 tàu hư hỏng sửa chữa nêu trên có 17 chủ tàu nợ quá hạn với số tiền hơn 17,8 tỷ đồng. Các khoản tiền trên, Công ty Đại Nguyên Dương bị yêu cầu phải bồi thường khoảng 3,8 tỷ đồng; số tiền còn lại là Công ty Nam Triệu.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Định cho hay: “Hiện các bộ, ban ngành Trung ương đã trình Chính phủ đồng ý cho các trường hợp trên được điều chỉnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ân nợ và giãn nợ cho các ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng và cũng để gỡ rối cho ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương cho nên ngân hàng vẫn phải chuyển khoản nợ các chủ tàu qua thành nợ quá hạn.”
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, sau sự cố trên, đơn vị đã bị thiệt hại 40 tỷ đồng. Với đề nghị hỗ trợ thiệt hại của các ngư dân, đơn vị này cho là chính đáng. Doanh nghiệp sẽ làm việc lại với các chủ tàu để xem xét, bàn bạc, thống nhất việc bồi thường. Đồng thời, sẽ có báo cáo với lãnh đạo Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an để xin ý kiến.
Ngược lại, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, lại không đồng ý với yêu cầu hỗ trợ của các ngư dân và cho rằng, qua sự việc vừa rồi, doanh nghiệp này bị mất uy tín rất lớn, gây thiệt hại nặng nề. Doanh nghiệp này quả quyết sẽ không đền bù các khoản chi phí mà các chủ tàu yêu cầu, điều này làm các chủ tàu vô cùng bức xúc.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, sau cuộc họp sẽ đề nghị phía các công ty phải trả lời bằng văn bản để thông báo cho các ngư dân và báo cáo UBND tỉnh Bình Định và Bộ NN-PTNT. Tới đây sẽ có thêm 1 đến 2 cuộc họp nữa, để đi đến thống nhất. Nếu giữa 2 công ty và ngư dân cứ kéo dài, không đi đến thỏa thuận đền bù và hỗ trợ thì sẽ đưa ra tòa kinh tế, Sở NN-PTNT Bình Định không có thẩm quyền để ép buộc phía doanh nghiệp bồi thường được.